HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 24/01: Nho cảnh Ninh Thuận hút hàng cận Tết

24/01/2022 13:55 GMT+7
Hiện các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, nhu cầu chơi nho cảnh tết tăng lên khiến nhiều nhà vườn ở Ninh Thuận không còn hàng để giao cho thương lái. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 24/01.

Nho cảnh Ninh Thuận hút hàng cận Tết

Thời điểm này, các nhà vườn, hợp tác xã trồng nho cảnh tại Ninh Thuận đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị hàng nghìn chậu nho cảnh với nhiều kiểu dáng mới lạ, độc đáo để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Các cây được nhà vườn ghép trên gốc nho dại khi cây cứng cáp mới đưa vào chậu trồng. Mỗi cây được tạo dáng phong thủy theo khung giá đỡ, các dáng bonsai có chiều cao từ 50-120 cm. So với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam thì nho cảnh có sức hút riêng, đến ngày 23 Tết Âm lịch, khoảng 90% số chậu nho cảnh của hợp tác xã được thương lái, người chơi từ các tỉnh, thành đặt hàng. Theo các chủ vườn, năm nay số lượng nho cảnh trồng ít hơn so với mọi năm do các nhà vườn e ngại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu mua. Tuy nhiên, hiện các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, nhu cầu chơi nho cảnh tết tăng lên khiến nhiều nhà vườn không còn hàng để giao cho thương lái. Đây là tín hiệu rất mừng đối với các hợp tác xã, nhà vườn trồng nho cảnh ở Ninh Thuận.

Giá hoa cúc tăng đột biến trước Tết Nguyên đán

Sát ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), người dân trồng hoa ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang rất phấn khởi vì giá hoa các loại tăng cao, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Các thương lái cho rằng đà tăng có thể kéo dài đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Đáng chú ý, hoa cúc là mặt hàng có mức tăng cao nhất, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/cành. Việc giá hoa tăng bật kể từ Tết Dương lịch 2022 khiến nông dân có thêm động lực sản xuất vụ mới.Trước đó, Tết 2021, giá hoa cúc rớt tận đáy, còn 1.000 đồng/cành, thậm chí không có người mua, người dân phải nhổ bỏ vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhập khẩu hơn 4,5 triệu tấn phân bón

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD, giá trung bình 319,7 USD/tấn, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020.

Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Đứng thứ hai là thị trường Đông Nam Á. Trong năm 2021, nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng rất mạnh 37,2% về lượng, tăng 117,4% về kim ngạch so với năm 2020.

Tiếp đến thị trường Nga. Tổng khối lượng nhập khẩu phân bón từ Nga trong năm 2021 đạt 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% kim ngạch so với năm 2020.

Bình Phước: Nhiều nhà vườn lo lắng vì thiếu người hái tiêu

Thời điểm này, người trồng tiêu tỉnh Bình Phước đang bước vào chính vụ thu hoạch tiêu. Hiện với giá tiêu tương đối cao, dao động từ 88.000-90.000 đồng/kg (tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước), nhưng việc thiếu nhân công hái tiêu đang khiến nhiều nhà vườn lo lắng.

Nhiều nhà vườn cho hay do tiêu chín trùng vụ cạo mủ cao su cộng với tình hình dịch bệnh nên rất khó tìm nhân công để hái tiêu. Nhiều nhà vườn chấp nhận với giá 250.000 đồng/người/ngày nhưng vẫn không có người nhận hái, khiến tiêu bị rụng khá nhiều. Hiện toàn tỉnh Bình Phước có khoảng 15.889ha trồng tiêu, năng suất trung bình hơn 1,8 tấn/ha, được trồng tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản…    

THDV