HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 30/3: Báo Đức đưa tin về xoài xuất khẩu của Việt Nam

30/03/2022 13:57 GMT+7
Ngày 29/3, một trang tin của Đức đưa tin, Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi lượng xoài xuất khẩu và đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng xoài để có thể đạt kim ngạch 650 triệu USD vào năm 2030. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 30/3.

Báo Đức đưa tin về xoài xuất khẩu của Việt Nam

Ngày 29/3, trang tin chuyên về rau quả của Đức đưa tin, Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi lượng xoài xuất khẩu và đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng xoài để có thể đạt kim ngạch 650 triệu USD vào năm 2030. Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin này cho biết trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, tới năm 2021 đã tăng gần gấp đôi lên 310 triệu USD. Nguồn tin trên cũng dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đức cho hay, Việt Nam là nước có sản lượng xoài lớn thứ 13 trên thế giới với sản lượng đạt khoảng 893.000 tấn vào năm 2020. Trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 600.000 tấn xoài với kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7 lần so với năm trước đó. Hiện xoài Việt Nam được xuất khẩu sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm 83,95%./.

Nhiều nông sản nhận cảnh báo nóng vì mạo danh mã số vùng trồng

Mới đây, Bộ NN&PTNT có Chỉ thị về tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo văn bản, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Dù vậy, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực.

Bên cạnh đó, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương đưa chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hà Nội tính chuyện đường dài cho xuất khẩu nông sản

Những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ). Đây là giải pháp căn cơ của TP nhằm hướng tới xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực.

4 loài thủy sản xuất khẩu sang Nhật sẽ phải có chứng nhận khai thác

Tổng cục Thủy sản vừa có công văn gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc áp dụng giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại thị trường Nhật Bản.

Công văn cho biết, theo thông báo từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản sẽ áp dụng yêu cầu giấy chứng nhận thủy sản khai thác (Catch Certificate) cho 4 loài: Mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) khi nhập khẩu vào Nhật Bản.

Thời gian Nhật Bản áp dụng quy định nói trên bắt đầu từ ngày 1/12/2022. Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 210 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.

THDV