HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 28/3: Nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nga buộc phải quay đầu

28/03/2022 14:03 GMT+7
Dự báo xuất khẩu sang Nga sẽ tiếp tục sụt giảm trong tháng 3 và những tháng tới nếu xung đột Nga – Ukraine không được giải quyết. Đã có nhiều lô hàng sang Nga buộc phải quay đầu. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 28/3.

 Nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nga buộc phải quay đầu

Theo VASEP dư địa với thị trường Nga còn nhiều và cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khả thi nếu không xảy ra chiến sự khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga đứng ngồi không yên. Đã có nhiều lô hàng sang Nga buộc phải quay đầu. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga đạt 164 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Nga chỉ chiếm 2% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với những mặt hàng chủ lực là tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm… Tuy nhiên, trước những lệnh trừng phạt với thuỷ sản Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cũng le lói một chút cơ hội giành thị phần của Nga tại các nước nhập khẩu cá thịt trắng như Mỹ, EU…dù cá tra không hoàn toàn thay thế cho cá minh thái, cá tuyết. Trước tình hình này, dự báo xuất khẩu sang Nga sẽ tiếp tục sụt giảm trong tháng 3 và những tháng tới nếu xung đột Nga – Ukraine không được giải quyết. Do vậy, xuất khẩu thuỷ sản nói chung khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như 2 tháng đầu năm.

Người nuôi thủy sản gặp khó khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao 

Thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cá liên tục giảm, đầu ra gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ chậm. Cụ thể, giá cá trắm từ 50.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg; giá cá chép từ 60.000 đồng/kg nay giảm chỉ còn 37.000 - 40.000 đồng/kg; cá mè có giá từ 32.000 đồng nay giảm chỉ còn 27.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá thức ăn cho cá liên tục tăng từ 220.000 đồng/bao/25kg - năm 2020 lên 270.000 đồng/bao/25 kg - thời điểm hiện tại. Với giá thức ăn thủy sản tăng mạnh như hiện nay, người nuôi sẽ khó có lợi nhuận nếu thủy sản bị rớt giá. Chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá thủy sản bán ra vẫn luôn là nỗi trăn trở của người dân. 

 Ngành gỗ có 155 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD/năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra trước đó, trong năm 2021 trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này là 14,81 tỷ USD, tăng 19,7% tương ứng tăng 2,44 tỷ USD so với năm 2020. Cụ thể, trong năm 2021, ngành gỗ có trên 3.500 doanh nghiệp tham gia trực tiếp xuất khẩu năm 2021, trong số này có 155 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 20 triệu USD/năm trở lên. Trong top 155 doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD/năm, chiếm 6,8% tổng giá trị xuất của ngành gỗ. Dự báo, kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.

Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cho doanh nghiệp nông sản

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp khá phát triển, với nhiều ngành có thế mạnh tương tự như Việt Nam, tuy nhiên chi phí sản xuất lại cao hơn. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát Châu Âu. Trong khi đó, các doanh nghiệp sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, để có thể thâm nhập được vào thị trường này một cách dễ dàng.

THDV