HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 25/3: Hà Nội sẽ tổ chức 3 - 5 tuần lễ quảng bá sản phẩm OCOP

25/03/2022 14:05 GMT+7
Nhằm thúc đẩy Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2022, Hà Nội dự kiến phát triển thêm từ 3 - 5 tuần lễ quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 25/3

Chuyển động Nhà nông 25/3

Hà Nội sẽ tổ chức 3 - 5 tuần lễ quảng bá sản phẩm OCOP

Bắt đầu triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với khoảng 1.500 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, cho đến nay Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Nhằm thúc đẩy Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2022, Hà Nội dự kiến phát triển thêm các điểm giới thiệu, cùng với đó là từ 3 - 5 tuần lễ quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP về số lượng, TP sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tạo đầu ra cho sản phẩm. Theo đó trong năm 2022, Hà Nội dự kiến phát triển thêm tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Quảng Ngãi có 61 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 61 sản phẩm đạt chuẩn, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, định kỳ hằng năm, hội đồng đánh giá, phân hạng có kế hoạch kiểm tra lại các sản phẩm đã đạt OCOP và sau ba năm sẽ đánh giá lại sản phẩm. Đối với những chủ thể sản phẩm vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị đề xuất xử lý. Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các cửa hàng OCOP, hội chợ, siêu thị… Năm 2022, Quảng Ngãi phấn đấu có 50 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 3-4 sao, trong đó có 5-7 sản phẩm được nâng từ hạng 3 sao lên 4 sao.

Hà Nội tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp

Thời gian qua, theo phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san lấp đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng diễn ra tại một số quận, huyện, thị xã. Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình trạng "tùy tiện" phân lô, tách thửa, chống nhiễu loạn thị trường bất động sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể. Cũng theo chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong thời gian UBND thành phố Hà Nội chưa có quy định cụ thể về các nội dung trên, UBND các quận, huyện, thị xã phải tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở cho đến khi thành phố có quy định cụ thể.

Cảnh báo thiếu hụt lương thực do giá phân bón tăng vọt

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết một số nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ trong thời gian ngắn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nước xuất khẩu chính kali, amoniac, u-rê và các chất dinh dưỡng khác của đất, đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu các nguyên liệu đầu vào quan trọng này trên thế giới.  Giá phân bón tăng vọt buộc nông dân trên toàn thế giới phải dùng ít đi và thu hẹp diện tích đất gieo trồng, dẫn đến một số chuyên gia nông nghiệp cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực.

THDV