HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm

21/11/2023 06:15 GMT+7
Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn (trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào) kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Trong số phát sóng hôm nay, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật làm đệm lót vi sinh tiết kiệm cho trang trại nhà mình.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm

Đệm lót sinh học là một trong những công nghệ trong chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch góp phần giúp chuồng nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, giảm mùi hôi chuồng trại và giảm các vi khuẩn gây bệnh với vốn đầu tư không quá cao. Trong số phát sóng hôm nay, bà con hãy cùng theo dõi chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay để tìm hiểu kỹ thuật làm đệm lót vi sinh tiết kiệm nhé.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm.

1. Đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà

Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn có thể là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào,… kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Riêng phân của gà sau khi thu dọn đệm lót có thể dùng bón cây rất tốt. Chính vì vậy, ngày càng nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn chăn nuôi vi sinh làm kim chỉ nam cho mô hình nhà mình.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 2.

Đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà.

Đệm lót nền chuồng được xử lý và bảo dưỡng tốt có thời gian sử dụng 6 - 12 tháng, thời gian sử dụng phụ thuộc vào các yếu tố: Nguyên liệu dùng làm đệm lót; độ dày đệm lót (nếu đệm lót quá mỏng thì thời gian sử dụng ngắn hơn so với chất độn dày); chế độ xử lý, bảo dưỡng...

2. Cách trộn chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gà

Thông thường 1kg chế phẩm có thể trộn 5 kg cám ngô, hoặc cám gạo, hoặc có thể trộn lẫn cám ngô và cám gạo tùy từng hộ nuôi. Sau đó cho thêm 2,5 - 3 lít nước sạch vào đảo đều đến khi đạt độ ẩm thích hợp (bóp thử một nắm bột thấy không quá khô có bụi hoặc không bị vón cục là đạt), trong điều kiện nhiệt độ cao vào mùa hè, để tiết kiệm thời gian đối với gà thịt có thể trộn xong và rắc trực tiếp lên mặt chuồng đã chuẩn bị đệm lót. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 3.

Cách trộn chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gà.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, người nuôi nên để chế phẩm đã chuẩn bị vào túi, thùng,… rồi để vào nơi râm mát (mùa hè) khoảng 1 ngày hoặc mùa đông để vào chỗ ấm ủ trong 2 - 3 ngày đến khi men có mùi thơm nhẹ hoặc chua.

3. Làm đệm lót sinh học từ trấu

Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10 - 15cm (lớp trấu dày sẽ đạt hiệu quả cao hơn) sau đó thả gà.

Bước 2: Sau 5 - 7 ngày với gà nuôi úm, 1 - 2 ngày với gà nuôi thịt hoặc có thể rắc trực tiếp trong chuồng đang nuôi, quan sát trên bề mặt chuồng khi nào thấy phân rải kín, tiến hành cào đảo nhẹ lớp mặt đệm lót sâu 1 - 3cm. Nên quây gọn gà về một góc hoặc thả gà để tránh gây xáo trộn làm gà bị stress.

Bước 3: Sau khi đảo lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm đã được ủ lên toàn bộ bề mặt chất đệm ở chuồng nuôi. Dùng tay hoặc cào xoa nhẹ đều trên bề mặt đệm lót để men được phân tán đều khắp trên bề mặt của toàn bộ chuồng.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm đệm lót vi sinh nuôi gà hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 4.

Làm đệm lót sinh học từ trấu

Lưu ý: Nhiệt độ ở đệm lót luôn nóng ẩm nên khi úm gà chỉ cần quây kín phía dưới < 50cm còn phía trên để thoáng, nếu thắp đèn thì cần phải treo cao, đặc biệt trong mùa nóng.

Trong mùa nóng, cần mở hết cửa cho thông thoáng, nếu cần phải dùng quạt hơi nước để thoát hơi nóng và làm mát chuồng nuôi cho gà. Thực hiện nuôi trên đệm lót mỏng định kỳ thay mới nếu không có biện pháp chống nóng thích hợp.

Trên đây là kỹ thuật xây chuồng nuôi gà vi sinh. Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Bích Ngọc - Duy Quân