HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số điều cần lưu ý khi chăm sóc lươn thương phẩm

31/08/2023 06:29 GMT+7
Chăm sóc lươn thương phẩm như thế nào cho đúng cách luôn là nỗi trăn trở của nhiều hộ chăn nuôi lươn không bùn. Bà con hãy theo dõi chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay để cùng tìm hiểu những lưu ý cơ bản chăm sóc lươn thương phẩm.

Những lưu ý khi chăm sóc lươn thương phẩm cùng Sổ tay Nhà nông

Trong suốt kỹ thuật nuôi lươn, nhiều hộ gia đình đã gặp không ít khó khăn khi chăm sóc lươn để cho sản lượng cao. Chính vì vậy, tại số phát song kỳ này, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu những kiến thức cơ bản khi chăm sóc lươn thương phẩm để cho hiệu quả kinh tế cao nhất. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số điều cần lưu ý khi chăm sóc lươn thương phẩm

Chăm sóc lươn thương phẩm

Trong quá trình nuôi lươn thương phẩm, bà con lựa chọn nguồn thức ăn sử dụng là các loại thức ăn tươi sống như cá tạp, hến, cua, ốc bươu vàng,... và thức ăn công nghiệp 26 – 30% đạm. 

Lươn có tập tính ăn vào ban đêm, nên cho lươn ăn vào buổi tối và chọn loại thức ăn lươn ưa thích như giun đất hoặc trùn quế với khẩu phần ăn từ 1 – 2% trọng lượng lươn trong 10 – 15 ngày đầu. Bà con tiến hành theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa, 1 – 2 giờ sau khi cho lươn ăn nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa. Ưu tiên sử dụng sàn cho ăn bằng gỗ, tre, hoặc rổ thưa được treo nổi trên mặt nước. Thời gian nuôi thích hợp nhất từ tháng 6 – 12. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Những lưu ý cơ bản khi chăm sóc lươn thương phẩm - Ảnh 2.

Kỹ thuật chăm sóc lươn thương phẩm.

Lươn bắt mồi khỏe và phát triển tốt nhất vào tháng 6 – 10. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, bà con nên chọn thức ăn phải đảm bảo đủ chất, luôn tươi sống, tuyệt đối không cho ăn thức ăn ôi thiu. Nên phối hợp thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp. Thời gian thích hợp cho lươn ăn từ 15 – 17 giờ chiều, sau khi lươn đã quen có thể cho ăn sớm dần và có thói quen cho ăn ban ngày. Đồng thời, bà con cần đặt sàn ăn cố định để lươn dễ ăn hơn.

Để lươn sinh trưởng và phát triển ổn định, bà con nên kiểm tra định kỳ các yếu tố môi trường nuôi như pH, Oxy, NH3,... trước và sau mỗi kỳ thay nước bể nuôi. Khi hàm lượng NH3 vượt qua ngưỡng cho phép (> 2 mg/lít), lươn sẽ có biểu hiện nửa thân trước thẳng đứng, đầu nhô lên mặt nước. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Những lưu ý cơ bản khi chăm sóc lươn thương phẩm - Ảnh 3.

Chăm sóc lươn thương phẩm.

Để khắc phục tình trạng này, bà con nên thay nước từ 2 – 3 ngày/lần nếu bể nuôi có đất. Thay nước mỗi ngày nếu bố trí các loại giá thể khác. Sau khi cho lươn ăn khoảng 2 giờ nên kiểm tra lượng mồi trong sàn để vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn trong bể nuôi.

Đối với các loại giá thể khác nên lưu ý nhiệt độ trong bể vào thời điểm khí hậu thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lươn. Bể nuôi cũng phải được thiết kế đúng theo yêu cầu kỹ thuật sao cho lươn không thoát ra ngoài.

Chăm sóc lươn tuy không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, tuy nhiên bà con cần chú ý đảm bảo những điều kiện cơ bản để lươn phát triển tốt, cho chất lượng thương phẩm cao.

Trên đây là một số lưu ý khi chăm sóc lươn thương phẩm.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Bích Ngọc - Vân Anh