HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở cây hoa hồng cổ Sapa

26/05/2023 06:30 GMT+7
Để cây hoa hồng cổ Sapa sinh trưởng và phát triển tốt nhất, bên cạnh việc tưới nước, bón phân thì phòng trừ sâu bệnh hại cũng cần được thực hiện thường xuyên. Chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay sẽ cùng bà con tìm hiểu phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở cây hoa hồng cổ Sapa.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở cây hoa hồng cổ Sapa

Tiếp theo Chương trình Sổ tay Nhà nông kỳ trước về cây hồng cổ Sapa, hôm nay, Chương trình sẽ mang đến cho bà con và quý độc giả những kiến thức và phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở cây hoa hồng cổ Sapa như: Bệnh vàng lá; Nhện đỏ...

Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên tưới nước, bón phân thì một trong những yếu tố quan trọng để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất là quá trình phòng tránh và điều trị các bệnh trên cây. 

Xin mời bà con và quý độc giả cùng Chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu trong số tuần này nhé!

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở cây hoa hồng cổ Sapa

1. Bệnh vàng lá (bệnh nấm) ở cây cây hoa hồng cổ Sapa

1.1. Triệu chứng

Lá cây sẽ chuyển từ xanh nhạt rồi dần chuyển qua màu vàng. Sau đó là khô héo như cháy nắng rồi rụng dần chỉ còn vài lá ở phần ngọn.

1.2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị vàng lá ở cây hoa hồng cổ Sapa. Có thể do trong quá trình chăm sóc, lượng nước tưới không được cung cấp đủ, chu kỳ tưới không đều. Ngoài ra, cây cũng có thể bị động rễ do một phần rễ bị tác động mạnh, gây tổn hại. Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng vàng lá là do sơ suất trong quá trình vận chuyển, đào xới đất trong lúc thay chậu,… Bên cạnh đó, việc cây bị thiếu nắng, không đủ năng lượng để quang hợp, thiếu vi lượng, không đủ khả năng tạo diệp lục nên lá bị vàng, không có màu xanh đậm đặc trưng.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở hoa hồng - Ảnh 2.

Bệnh vàng lá (bệnh nấm) ở cây hoa hồng cổ Sapa.

1.3. Biện pháp

Bệnh vàng lá không hẳn do tác động đến từ bên ngoài, đôi khi là do cơ chế sinh tồn của chính cây hoa hồng cổ Sapa tạo nên. Bà con nên tưới nước đủ, duy trì đều đặn cho cây. Cùng với đó, cần làm tơi xốp đất cho cây định kỳ, phun các loại chế phẩm tiêu diệt nấm, côn trùng gây hại. 

Đối với các loại phân bón, bà con cần đọc kỹ hướng dẫn và thực hiện bón phân, các loại vi lượng đúng thời điểm, đúng định lượng. Tránh lạm dụng phân bón một cách ồ ạt không có tính toán. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh môi trường trồng cây sạch sẽ, thoáng khí cũng sẽ giúp cây hạn chế được bệnh vàng lá.

2. Nhện đỏ gây bệnh trên hoa hồng cổ Sapa

2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhện đỏ

Khi cây xuất hiện nhện đỏ gây hại hoa hồng, phía mặt trên lá có những đốm trắng nhỏ li ti, nhìn xa lá như bạc lại và không còn màu xanh đậm khi cây khỏe. Mặt dưới lá có những đốm đỏ rất nhỏ, dùng tay miết lên lá sẽ thấy ướt.

2.2. Cách phòng nhện đỏ hại hoa hồng cổ Sapa

Để hạn chế bệnh nhện đỏ hại cây, bà con nên thường xuyên cắt lá tỉa cành để tán cây được thông thoáng, tránh nhện trú ngụ. Đối với giai đoạn tạo tán và sau mỗi đợt hoa, bà con nên cắt bỏ những cành già, cành bị sâu bệnh và đem tiêu hủy. Việc này vừa giúp cây cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới, vừa hạn chế sự lây lan của các loài gây hại. 

Bên cạnh đó, bà con cần thường xuyên dọn vườn để sạch sẽ, dọn những lá già sát gốc hoa hồng sẽ giúp môi trường được thông thoáng, nhện đỏ khó phát triển. Việc bón phân cân đối là điều vô cùng cần thiết vì Khi bón quá thừa đạm dẫn đến lá xanh, dày. Điều này sẽ thu hút các côn trùng tấn công trong đó có nhện đỏ. Bón phân cân đối sẽ giúp cho hoa hồng phát triển toàn diện, tăng sức đề kháng và chống chịu tốt nếu bị nhện đỏ tấn công.

2.3. Cách trừ nhện đỏ hại hoa hồng cổ Sapa

Biện pháp sinh học

Đối với nhện đỏ gây hại trên hoa hồng với mật độ ít và trung bình, có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học như dầu neem, chế phẩm rượu tỏi ớt, các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun qua lá. Phun từ 1 – 2 tuần/lần tùy theo khuyến cáo của mỗi loại, phun khi thấy triệu chứng có nhện đỏ gây hại ít.


SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phương pháp phòng và chữa các bệnh thường gặp ở hoa hồng - Ảnh 3.

Nhện đỏ gây bệnh trên hoa hồng cổ Sapa.

Biện pháp hóa học

Nếu nhện đỏ xuất hiện ở mật độ cao sẽ khiến cây bị gây hại nặng. Bà con có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học Diafenthiuron 500g/L để khắc phục tình trạng bệnh nhện đỏ trên hoa hồng.

Trên đây là một vài phương pháp phòng tránh và điều trị bệnh gây hại trên hoa hồng cổ hiệu quả. Hi vọng chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay sẽ đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình.

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Bích Ngọc - Phan Hương - Thu Hường