Truyện dự thi: Khép một vòng xoay

Trần Văn Thước (Thái Bình) Chủ nhật, ngày 24/05/2020 14:00 PM (GMT+7)
Có tiếng xe đạp lạch xạch vào ngõ. Ông Tĩnh dừng tay vung ô doa làm mưa cho luống cà tím, dướn người qua bờ giậu nhìn ra đầu ngõ. Chấm dứt nỗi thắc thỏm vấn víu ông cả nửa tháng nay.
Bình luận 0

1.

Cuối tháng trước con gái trở lên trường hẹn hai tuần sau sẽ về. Biết chắc rồi mà mỗi sáng mai bóc tờ lịch treo tường ông vẫn nhẩm lùi từng ngày. Sáng nay ông mỉm cười với mảnh thời gian mỏng manh trong lòng tay. Hôm nay con gái ta về. Từ hôm nay con gái ông sẽ bắt đầu quãng đời mới.

- Bố ơi.

- Bố đây.

Ông Tĩnh rảo về kịp giữ ghi đông xe đạp cho con gái gảy dựng chân chống xe. Gương mặt con gái ửng hồng, lấm chấm mồ hôi vì đạp xe đường xa trời nắng làm đầy thêm yêu thương trong đôi mắt người cha.

- Con vào nhà bật quạt cho ráo mồ hôi. Đồ đạc để bố cất cho.

Bưởi nhanh tay cởi mối dây chằng, ôm gọn gói chăn bông chồng trên chiếc hòm tôn.

- Bố dựa xe đạp vào góc sân giúp con.

Vừa dắt xe, ông Tĩnh ngoái nhìn con gái ôm bọc đồ vào nhà. Chiếc hòm tôn kia, gói chăn bông kia, bốn năm trước ông ôm từ trong nhà ra buộc lên chiếc xe đạp này. Ông dắt xe ra tận ngã ba làng mới trao cho con gái. Ngày lơ mơ rạng. Sương sớm giăng giăng. Con gái đạp xe quãng quãng nhìn lại. Lần thứ nhất, lần thứ hai ông giơ tay vẫy con. Lần thứ ba nỗi niềm thân phận xô ông nấp sau gốc cây. Cú va đầu đau điếng.

Nhà người ta con cháu đỗ đại học thì mổ lợn liên hoan, sắm tư trang ngồn ngộn, xe đón xe đưa. Con gái ông chỉ mấy bộ quần áo thường, chiếc chăn bông bật lại, chiếc hòm tôn sơn và chiếc xe đạp đã dùng từ năm đầu tiên học trường huyện. Thực lòng ông rất muốn sắm sanh cho con gái đỡ thua chị kém em. Người ta mười mình cũng bảy tám. Nhưng con gái một mực xin bố chiều con việc sắm đồ.

Những món đồ ngày nào cùng con gái ông ra đi sống đời sống sinh viên bây giờ trở lại. Thời gian - giây phút, tháng ngày muôn thuở một đi không trở lại. Nhưng con người ta bất luận già trẻ, lắm thứ đồ vật mới cũ mặc dầu nhiều khi ra đi từ chỗ nào lại trở về chỗ ấy - khép gọn một vòng xoay.

Ông Tĩnh lên sân giếng vào ngay nhà tắm. Ông nhấc lên đặt xuống hộp xà phòng, lắc lắc chai nước gội đầu. Trở ra ông rút chốt cần kéo nước giếng khơi. Đáy gầu chạm nước ông mới sực nhớ bể chứa, bể lọc đã đầy từ sáng sớm. Như bốn năm qua, mỗi sáng thứ Bảy dù bận mải đến đâu ông cũng múc đầy hai bể nước, kiểm tra đồ tắm. Bốn năm đại học họa hoằn con gái ông không về thứ Bảy.

Bưởi lên sân giếng nhanh tay đón gầu nước bố vừa kéo lên.

- Con sắp lễ rồi bố ạ. Bố rửa chân tay rồi vào thắp hương.

- Ngày kia mới rằm chứ con.

- Vâng ạ. Bố thắp hương thưa với ông bà, mẹ con việc học của con.

Ông Tĩnh xòe bàn tay cho con gái giội nước. Mát lạnh giếng khơi giúp ông đánh tráo được một lần giật mình. Đứa con đầu xanh tuổi trẻ đã sớm nghĩ nhanh làm những việc các bậc phụ huynh tâm phục khẩu phục.

Tấm mành trúc đã được vén ra hai phía cung thờ. Đôi đèn nến lung linh sáng. Trên mâm bồng lớn đặt đĩa cam năm quả xếp thế "tứ trụ nhất đỉnh", chiếc đĩa thấp hơn đặt tấm bằng tốt nghiệp màu đỏ. Học viện Hành chính Quốc gia. Cử nhân loại giỏi. Mỗi ngày tuần tiết, giỗ chạp, đứng trước bàn thờ hương thơm đèn sáng, ông Tĩnh thấy con người thanh thoát, sáng láng thưa trình những điều tâm niệm. Chiều nay ông run run, rối lời như buổi chiều bốn năm trước thắp hương thưa trình việc con gái đỗ đại học đúng nguyện vọng của hai bố con.

Bưởi dắt xe đạp ra dựa cột cổng, trở vào với bố vừa trong nhà bước ra hiên.

- Con lên chùa chào sư cụ bố nhé.

Niềm xúc động còn nguyên, ông Tĩnh bám một tay vào cột hiên, tay kia ấp lên đỉnh đầu con gái. Hai điểm tựa thật vững vàng của ông.

- Ông bà, mẹ con chúc mừng con, phù hộ cho công việc nay mai. Con vào thắp hương, xin phép mang tấm bằng lên thưa với nhà chùa. Sư cụ mong con lắm. Đi đi con.

2.

Xoay ngược chiếc kim thời gian một quãng dài bằng tuổi cô gái vừa tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia.

Ở làng đến cái nêm cuốc long cũng nên chuyện kháo ròng, nói chi việc chùa Viêm Quang có người mẹ trẻ bế con đến xin tá túc. Cửa Phật từ bi. Thập loại chúng sinh biết đâu là bờ ắt được hưởng lượng khoan độ hải hà. Sư thầy dành riêng cho một gian nhà ngang, các vãi cắt lượt giúp mẹ con cô gái việc cơm nước, giặt giũ.

Buổi chiều đi thăm lúa về, anh Tĩnh tạt vào đám đông tụ tập ở đầu thôn. Thì ra mọi người đang bàn tán câu chuyện Tĩnh nghe láng máng từ sáng sớm lúc đang tưới rau trong vườn… Nào ai biết cơ sự thế nào… Có người nhìn thấy cô ta bế con đứng trên quãng đê lượn hình vai cày. Chỗ ấy có vụng nước xoáy hiểm. Cô ta đi đi lại lại mấy lượt rồi mới rẽ xuống đường trục đồng… Người ấy áng chừng tuổi chỉ ngoài đôi mươi… Xem chừng như sinh viên, con nhà khá giả. Người như thế mà lại… Mẹ đẹp con xinh thế, trai tân tán chưa chắc đã xuôi đâu. Trai làng anh nào đón được thì thật tốt số, được cả chì với chài… A, anh Tĩnh đấy hả. Ông anh phong độ hào hoa, nhà cửa vườn tược như thế đón người ta về thì cứ là nhất làng… Duyên phận trời dành cho đấy. Một người vỗ vai Tĩnh kéo ra một chỗ: "Hoàn cảnh ông như thế… Ông lên gặp sư thầy vấn ý, nói thật với người ta…".

Lời khuyên của bạn làm rúng động nỗi bất hạnh Tĩnh đeo mang từ thuở còn là gã trai choai. Một buổi chiều tắm bến sông làng, thật vô tình Tĩnh nhìn thân thể người bạn, nhìn xuống thân mình. Bộ phận đặc trưng cho giới tính nam của Tĩnh vẫn tí hin như thuở lẫm chẫm tập đi. Tuổi mười sáu chưa hẳn là người lớn, nhưng cũng ít nhiều đủ khôn để ý thức được số phận. Tĩnh lặn một hơi sang bờ bên kia, nấp vào khóm lau ôm mặt khóc. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Tĩnh khóc vì nỗi bất hạnh. Ông Trời cho Tĩnh làm thằng đàn ông cao to đẹp trai nhưng lấy đi chức phận làm chồng, làm cha.

Khép một vòng xoay	 - Ảnh 1.

Đêm khuya. Tiếng vạc lẻ loi sang sông. Tĩnh ngồi bó gối với buổi chiều năm ba mươi hai tuổi. Con bệnh nan y rủ lòng thương nguôi cơn hành hạ người mẹ tội nghiệp. Mẹ tự lết dựa lưng vào bao trấu, bảo Tĩnh nấu nồi nước lá thơm. Tĩnh cố kìm tiếng khóc đi hái lá, nấu nước. Bốn năm trước, cũng vào lúc xế chiều, bố bảo mẹ nấu nước lá thơm, bảo Tĩnh mở tủ lấy bộ quần áo lính. Bộ quần áo ông mặc duy nhất một lần trong ngày cưới rồi được cất kỹ trong tủ. Trong lúc mẹ mặc quần áo, bố thì thào với đứa con trai duy nhất. Nước mắt bố ròng ròng. Mẹ cài đến khuy áo cuối cùng, bố dốc hơi thở chót. Nỗi lo gửi lại trong ánh nhìn cuối cùng nên đôi mắt bố phải vuốt mãi mới nhắm lại được. Mới thế mà bố đi sắp đẫy mười chín vụ chiêm mùa…

Tĩnh bưng nồi nước thơm lên, mẹ bảo mở hé vung nồi. Khắp nhà thơm lựng mùi lá thơm. Mẹ lần lần buộc lại chiếc khăn dù quàng cổ. Chiếc khăn dù hoa là quà chú rể tặng cô dâu trong ngày cưới. "Con ơi… Thôi thì… đành phận con ạ. Con tìm ai có lòng thương… Cứ nói thật với người ta. Cốt có người ra vào nương tựa nhau… Có thế mẹ mới yên lòng đi gặp bố con, ông bà…".

Ngày nào ánh nhìn cuối cùng của bố còn có chút nhẹ nhõm vì còn có mẹ. Giờ đây ánh mắt mẹ có cả nỗi lo của bố để lại. Tĩnh đành liều nói dối: "Con tìm được người rồi. Cô ấy đang trên đường về ra mắt mẹ, họ hàng". Mẹ nhẹ nhàng hơi thở chót, nhẹ nhàng khép lại đôi mắt. Mẹ tin lời con trai, đem lời nói dối của nó đi gặp ông bà, gặp bố. Ngay khi dứt lời nói ấy Tĩnh đã biết đó là cái tội không cơ may hóa giải. Mẹ đi đã sáu năm dài. Sáu năm dài Tĩnh đeo gông lời nói dối với các bậc tiền nhân, sinh thành…

Nửa đêm Tĩnh đi ra vườn. Ánh trăng muộn mà đằm sáng lạ, soi rõ từng lát đất trên luống đất ban chiều cuốc dở, rõ từng ngọn cỏ dại lẫn trong luống rau cải xanh. Tĩnh cúi nhổ cỏ dại hóa ra cây rau non. Tĩnh cầm cuốc vung được vài nhát đã thấy mệt đứt hơi. Tĩnh buông cuốc ngồi dựa gốc cây bưởi. Cây bưởi lứa bói mà đằm mùi hoa đầu mùa. Tĩnh nghe như xa thẳm vọng đến tiếng thì thầm, lại như mơ hồ linh cảm mách bảo. Không bỗng dưng mà mẹ con cô gái quẩn quanh quãng sông có vụng xoáy hiểm. Không bỗng dưng mà cô gái bế con vào làng… Tĩnh vụt nhớ vài chục năm trước quãng đê lượn ấy có bến tắm và ở đấy Tĩnh manh nha ý thức về thân phận. Tĩnh ngồi dựa gốc cây mong trời mau sáng.

Sư thầy và các vãi đi ra vườn cảnh. Trong gian nhà ngang trông ra vườn chỉ còn Tĩnh và người mẹ trẻ bế đứa con đang ngon lành bú mẹ. Có vệt nắng sớm xiên qua cửa sổ chéo qua bờ vai cô gái đổ chấm vàng lên bờ vai Tĩnh. Là gã đàn ông không cảm giác giới tính, Tĩnh tâm phục dân làng tinh tường con mắt. Tĩnh chưa thấy cặp mẹ con nào đẹp như cặp mẹ con ngồi trước mặt. Tĩnh nói thật hoàn cảnh, không giấu nỗi bất hạnh thân phận. Cô gái đặt em bé vào giường vỗ về một lúc rồi mới trở ra: "Anh cho em vài ngày suy nghĩ".

Không cần đến vài ngày. Sáng hôm sau sư thầy và tốp các vãi đến nhà Tĩnh. Bà thím họ Tĩnh bế đứa bé nhưng không thấy người mẹ đi cùng. Sư thầy bảo Tĩnh thắp đèn hương trên bàn thờ. Mãn lễ, sư thầy đến bên Tĩnh đang bế đứa bé: "Nhà chùa đặt tên cho con gái thí chủ là Bưởi. Thủ tục với chính quyền nhà chùa sẽ làm giúp cha con thí chủ".

Ông Tĩnh được làm bố năm ba mươi tám tuổi.

3.

Cà tím đã tàn lứa chót. Việc trồng tra lứa tiếp Bưởi đã lên kế hoạch. Một lần đi nộp hồ sơ, đường về Bưởi rẽ vào chợ phố mua lễ ngày rằm. Ngay cổng chợ có đám đông vây quanh xe thồ rau. Thì ra mọi người tranh nhau mua rau cải cúc. Rau cải cúc nhiều vi chất dinh dưỡng, dễ làm món. Gói mỳ tôm và mấy ngọn rau cải cúc là bữa sáng, nhiều khi là bữa chính của số đông sinh viên. Người lao động tan ca tạt vào chợ mua mớ cải cúc, thêm nhúm bột nêm là có bát canh ngon lành. Bưởi mua một mớ để nhớ về thời sinh viên Mớ cải cúc đắt gấp ba lần rau muống, gấp rưỡi một ký su hào, cà tím. Giá cao, bán nhanh nhờ lợi thế dễ làm món và người ở làng lên phố bán rau vườn nhà. Thế là Bưởi rẽ vào quầy bán hạt giống rau. Ông Tĩnh đồng ý với việc làm mới của con gái. Ông nghĩ rau cải cúc hai mươi ngày một lứa. Sáng bán chợ làng chiều lên chợ phố. Bố con có công việc luôn chân luôn tay nguôi bớt phấp phỏng chờ tin những nơi gửi hồ sơ. Con gái đi chợ bán hàng thêm cơ hội giao lưu tiếp xúc biết đâu gặp cơ may công việc.

Ông Tĩnh rảo lại với con gái đang nhổ những gốc cà cuối cùng.

- Ngày mai bố cuốc đất. Con lên thăm vài nơi gửi hồ sơ xem thế nào.

- Không cần đâu bố ạ.

Ông Tĩnh đành nói ra điều e ngại ủ trong lòng đã mấy tháng nay:

- Mấy đứa ở làng cùng lớp đại học với con đã có chỗ làm cả rồi. Mà bạn con chỉ có bằng trung bình. Cái Chi phải nợ một môn, nghe nói tuần sau đi nhận việc. Con sao lại nghĩ không cần?

Bưởi ném nhanh gốc cà vào đống cây gom cuối luống, bước lại với bố:

- Bố ơi. Cái Liên có hai bác, có anh chị chức tước như thế nó ra trường ba tuần mới có chỗ làm là hơi bị chậm đấy ạ. Cái Chi thì giá một ghế chứ hai ghế một lúc bố mẹ nó cũng thừa sức mua cho. Bố con ta cứ vô tư chờ thôi bố ạ.

Không một gợn buồn trong mỗi lời nói của con gái. Ông Tĩnh giả tảng thản nhiên và vô tư như con gái. Thực ra sự vô tư và việc chúng bạn của con gái đã có chỗ làm đã hóa cấp số nhân những điều ông Tĩnh nghĩ ngợi day dứt. Thiên hạ bao la thôi không nói. Ở làng kinh tế lèng mèng như ông cũng nhiều người nuôi con đại học. Gia cảnh liêu xiêu, nợ trong nợ ngoài vì sự học. Nợ nần vì sự học chưa xong lại lo tiền chạy mua chỗ làm. Bán đất, cầm ruộng, ký bìa đỏ là việc không cần giấu giếm. Giá cả chỗ làm, ghế việc công khai như con cá mớ rau giữa chợ. Tiền mua ghế - chỗ càng cao bao nhiêu thì trí thức năng lực càng mất giá bấy nhiêu. Ông Tĩnh cũng tính bài theo thời. Mảnh vườn giáp đường cái, bìa đất thổ cư chắc đủ mua một chỗ làm cho con gái. Dự định của ông bố tức thì bị "cháy vèo" bởi tính cách của đứa con. Mỗi lần con gái đi nộp hồ sơ, thăm kết quả, ông Tĩnh đều chuẩn bị tiền phong bì, quà cáp. Bưởi cười tươi rói: "Bố cũng học đòi người ta ư. Bố quên con gái bố có bằng giỏi rồi sao".

Lứa cải cúc đầu gọn hai phiên bán lẻ chợ làng bán buôn chợ phố. Buổi tối ngồi xem tivi, Bưởi bấm máy tính, thông báo với bố:

- Trừ hết các khoản chi phí còn thực thu hai trăm ba mươi ba nghìn bố ạ.

Ông Tĩnh ngẫm nghĩ một lúc.

- Bố có một cách tính khác.

Bưởi vội cho nhỏ tiếng tivi.

- Cách tính sao ạ.

- Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày. Trồng cải cúc trung bình hai mươi ngày một lứa. Mỗi lứa rau đắt bù rẻ thực thu hai trăm nghìn. Mua một chỗ làm lấy giá của bạn con làm chuẩn. Nếu thiên hạ còn ăn rau cải cúc và chỗ làm không trượt giá. Để đủ tiền mua một ghế việc đúng ngành con học bố đã ngoài chín mươi tuổi, con thiếu hai mươi hai tháng nữa là đủ tuổi về hưu.

Bưởi bấm máy tính, cười rũ vào thành ghế.

- Bố siêu thật đấy. Sai số dưới một phần trăm. Ngày xưa chắc bố học toán giỏi lắm.

Đêm. Ông Tĩnh mất ngủ. Nguyên do là động tác bấm máy tính và tiếng cười của con gái. Nếu lấy mốc là cái đêm sau buổi chiều nấp trong khóm lau ôm mặt khóc đến đêm nay thì ông đã vô vàn đêm mất ngủ. Có lẽ ông là người có kinh nghiệm mất ngủ nhất thế giới. Qua mỗi lần mất ngủ ông có thêm nội lực vượt lên số phận, sáng suốt tính định việc này việc kia. Dù thức trắng mấy đêm liền cũng không ai biết đêm qua ông mất ngủ.

Sáng hôm sau ông Tĩnh đến nhà ông Bào ở cuối làng. Ông Bào trở thành bạn chí cốt của ông Tĩnh từ buổi chiều tắm sông. Thấy bạn sang bờ lâu lâu chưa trở lại, ông Bào bơi sang tìm. Ông kéo bạn ra khỏi bờ lau hết dỗ dành đến căn vặn. Ông Tĩnh đành nói ra sự thật, còn đứng lên trễ quần cho bạn nhìn. Ông Bào cười khì: "Mặc kệ nó. Được làm con người là tuyệt vời rồi". Ông Bào đi bộ đội rồi đi học trung cấp nghề, về làng vay vốn mở xưởng cơ khí. Bây giờ ông Bào ở trong tốp vài ba tỷ phú làng của làng Quảng. Tuần trước họp đồng môn, ông Bào có nói đang tìm mua đất mở cơ sở xay xát, đại lý lương thực. Ông Tĩnh muốn nhờ bạn hỗ trợ kế hoạch buộc con gái chấp nhận một việc đã rồi.

Ông Tĩnh đón chén trà bạn mời, nhấp một ngụm lấy lệ.

- Ông không phải tìm mua đất nữa. Tôi để cho mảnh vườn giáp đường.

Ông Bào sửng sốt:

- Ông cần tiền làm gì? Có sổ tiết kiệm đấy sao không rút bớt. Lãi suốt giảm chán mớ đời.

- Ông bàn mới hay chứ. Chính ông bảo tôi lập sổ tiết kiệm gửi góp cho con Bưởi giờ lại bảo rút ra. Thế mà cũng đòi bàn.

- Thì tại ông vừa đặt mông xuống ghế đã gạ việc đất đai.

Biết lỗi ở mình, ông Tĩnh rót chén trà đặt trước mặt bạn.

- Ông biết rồi đấy. Mấy đứa cùng học chỉ còn con Bưởi là chưa nơi nào gọi việc. Tôi dò hỏi biết được giá chỗ làm đúng ngành học. Ông lấy mảnh vườn giáp đường mở cơ sở làm ăn. Ứng cho tôi số tiền đủ lo việc cho con Bưởi. Thiếu bao nhiêu tôi trả dần.

Ông Bào ngẫm nghĩ, thở dài:

- Ông cho tôi vài ngày suy nghĩ.

4.

Sáng nay Bưởi sang thôn bên dự đám cưới Liên. Ngày mai mới rước dâu. Bạn bè hội trước một ngày để giúp việc này việc kia, và như Chi hô "để bóc hành đuổi mèo". Đứng trước gương trang điểm, Bưởi cười tủm với "cô nàng trong gương". Nghe này! Liên ra trường ba tuần là có chỗ làm ngon như mơ, ba mươi bảy tuần lựa chọn "chú này bác kia", bốn mươi bảy tuần là lên xe hoa. Chi chậm hơn chút cũng đã có chỗ làm ngon dù trái nghề, tháng trước hội làng có bạn trai về cùng bằng xe riêng…

Thực lòng Bưởi mừng cho các bạn. Và thực lòng Bưởi buồn cho mình. Bốn năm gắng gỏi học hành, tin vào con người, tin vào chính sách, để rồi chẳng bằng những ai kia học hành chểnh mảng, thi lại, mua điểm. Những ngày này Bưởi chỉ còn hy vọng ở người nhận hồ sơ lần thứ ba. Người phụ nữ đứng tuổi, rất xinh đẹp, nói năng dễ nghe. Chao ôi là buồn cái điều bác Bào và bố không chịu chung chút niềm tin của Bưởi. Bố và bác quay lý với Bưởi đến chóng mặt. Thời buổi này mười đứa tốt nghiệp đại học thì năm, sáu đứa trở về điểm xuất phát. Những đứa có việc làm thì hoặc dùng "bằng tiền" hoặc giấu bằng cấp làm trái nghề, làm những nghề không cần học. Bác Bào vận dụng linh hoạt một vài ý trong sách giáo khoa chính trị, đại ý thời buổi này vô số việc thành đường thành lốt rồi, ai ra ngoài quy luật sẽ bị "bánh xe lịch sử" nghiền nát, hắt văng. Bưởi miễn cưỡng viết cho bố địa chỉ của người phụ nữ xinh đẹp. Cả đêm Bưởi thao thức với nỗi buồn cho thì tương lai. Nếu chuyến đi của bố thành công thì hóa ra Bưởi nhìn nhầm con người. Thì bằng giỏi cũng nhường chỗ cho "bằng tiền". Bưởi gửi cho cô gái trong gương nụ cười buồn: "Thôi đành vậy hắn ạ. Có chỗ làm rồi tớ sẽ chứng minh cho mọi người sáng mắt rằng năng lực này là không thể mua được bằng tiền".

Thoa lại chút son môi, Bưởi ra với bố đang chuẩn bị cho chuyến đi "mua".

- Con chúc chuyến đi của bố thất bại.

Ông Tĩnh cất gói tiền vào túi vải, đùa lại con gái:

- Bố đi đúng chủ trương đường lối. Đại thắng là cái chắc con gái ạ.

Ông Tĩnh đón chuyến xe sớm qua làng lên thành phố. Lời đùa sớm mai của con gái làm tâm trạng ông thêm phấn chấn. Vạn sự khởi đầu nan từ tính cách của ông bạn Bào. Thật đáng mặt cựu thượng sĩ pháo binh về làng làm kinh tế. Này ông Tĩnh! Đây là việc hệ trọng liên quan đến con cháu sao lại bắt con cháu vắng mặt. Này cháu Bưởi! Đúng là bác đang cần mảnh đất để làm ăn. Mảnh vườn nhà cháu thuận đẹp nhất làng. Bố cháu mời mua nhưng bác quyết không mua. Bác cần hỏi mượn bố cháu quyết không chối, mà có chối bác cũng mượn cho bằng được. Lúc này bố con cháu cần tiền cứ lấy cho đủ số lo cho xong việc. Vay không kỳ hạn và không lời lãi gì. Nay mai cháu có công việc, bố cháu xoay vòng mảnh vườn, thửa ruộng. Lúc ấy hãy tính đến việc hoàn vốn "đầu tư".

Tám giờ xe đến thành phố. Nhớ lời con gái dặn, ông Tĩnh chọn người xe ôm đứng tuổi đưa cho mảnh giấy ghi địa chỉ. Bác tài xe ôm liếc qua mảnh giấy, không giấu nổi thán phục ông khách nhà quê: "Bác tăm được cửa này lớn đấy. Giữ chặt túi tiền nhé". Xe ôm vun vút đường một chiều. Người và xe dừng trước vòm cổng cao, cột và mái đều ốp đá.

Xuống xe, ông Tĩnh nói với bác tài:

- Trước hết xin cảm ơn. Thứ nữa, nếu bác không tiếc khách, vui lòng chờ cho tôi về bến. Được chứ ạ?

Bác xe ôm vui vẻ:

- Xe ôm vẫn chạy khứ hồi. Bác vào mua chỗ cho cháu đi. Chúc thành công.

Cánh cổng sắt mở ra khép vào ngay. Ông Tĩnh theo cô gái giúp việc vào phòng khách. Người phụ nữ ngồi xem tivi với chiếc điều khiển chỉ chiếc ghế đối diện:

- Mời ông ngồi.

Ông Tĩnh choáng váng phải một lúc mới tĩnh thần được. Cơn choáng váng không phải vì lần đầu tiên người nhà quê như ông được đặt chân vào phòng khách sang trọng nơi phố phường. Trời phú cho ông Tĩnh trí nhớ hiếm có. Ở làng nhiều sự việc đã xa lắc xa lơ có ai đó nhớ cũng chỉ mang máng, hỏi đến ông Tĩnh sẽ được rõ tỏ từng "milimét". Cơn choáng váng của ông là bởi dấu chàm tròn vo, nhỏ như vảy ốc trên vành tai và vết sẹo nhỏ duyên như lúm đồng tiền trên má bà chủ. Và đôi mắt. Không lẫn vào đâu được. Người đàn bà mà con gái ông khen là người tử tế đang ngồi kia. Ông Tĩnh đàng hoàng ngồi xuống ghế đối diện, đặt cái túi lên mặt bàn.

- Cảm ơn bà đã cho vào gặp.

Người đàn bà nhìn sang ông Tĩnh giây lát. Thị giác thu nhận gương mặt người đối diện với bà ta và thốc thẳng vào góc nào đó của ký ức. Sức mã hồi của những ngày xưa bị đè bẹp tức thì dưới bản lĩnh quyền lực.

- Ông có việc gì?

Vài ba phút đồng hồ trước, đồng thời với cơn choáng váng trực giác mách bảo ông Tĩnh việc nên làm. Ông điềm nhiên một lời nói dối:

- Thưa bà. Tôi đến hỏi kết quả hồ sơ của con trai người bạn.

- Gửi từ khi nào?

- Từ tháng tám năm ngoái.

- Năm ngoái có ba đợt đã xét tuyển xong. Nếu cháu còn nguyện vọng tiếp tục làm hồ sơ chờ thông báo trên hệ thống truyền thông. Thế nhé.

- Cảm ơn bà. Chào bà.

MỘT NĂM SAU.

Ông Tĩnh tắt tivi sang gặp ông Bào. Tám tháng trước ông Bào đã hoàn tất hai dàn máy xay xát, cửa hàng và nhà kho lương thực. Bầu bạn chí cốt từ buổi chiều tắm sông bây giờ là lân bang, ới một tiếng, bước qua bờ giậu là đã có nhau.

Ông Bào đang ngồi xem tivi. Người dẫn chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" đang chào và hẹn gặp lại. Ông Tĩnh gấp gáp như sợ bạn quên:

- Tivi vừa phát phóng sự vụ án. Ông có xem không?

- Có chứ. "Nhân vật chính" đẹp như thế mà lại là bà trùm buôn chức bán ghế. Đời phí một người đẹp.

Ông Tĩnh nghĩ như thế là ông bạn chú mục đến gương mặt người đàn bà ấy. Thuận cho cái điều ông nói ra.

- Bà trùm ấy chính là mẹ con gái tôi.

Ông Bào giật nảy người.

- Làm gì có chuyện ấy. Ông khỏi nhầm với ai không?

Ông Tĩnh chờ một lúc cho ông bạn nguôi cơn sốc.

- Không nhầm được. Cái dấu chàm, vết sẹo và đôi mắt ấy. Tôi nhầm thế nào được. Ngày ấy sau khi vỗ vai tôi ông lên gặp sư thầy. Ông gặp người ấy trước tôi, chuyện trò với người ta cả buổi tối còn gì.

Ông Bào đã nhớ ra.

- Con Bưởi đã biết chưa?

Ông Tĩnh lắc đầu. Con gái ông đi họp trên tỉnh cuối tuần sau mới về. Một sự nhớ làm bật trong lòng ông một nỗi lo không mơ hồ chút nào. Ngày con gái lên nộp hồ sơ có người nào cùng có mặt? Nếu người ta chỉ nhìn thoáng qua cũng biết bên giao bên nhận giống nhau như hai giọt nước. Sự khác biệt duy nhất là tuổi tác, phong thái nữ quan và tuổi trẻ hồn nhiên. Ngày ôm bọc tiền về ông nghĩ mãi mới ra cách "lừa" con gái. "Bà ấy không nhận và phê bố một trận tơi bời. Thành phố có chính sách tiếp đón nhân tài. Con gái ông học giỏi thế. Cứ yên tâm chờ thông báo…". Một cú lừa hết tầm ngoạn mục. Bưởi cười tươi rói: "Con đã bảo bố mà… Con sẵn sàng chờ để được làm việc dưới quyền bà sếp tuyệt vời như thế".

Từ hôm ấy ông tuyệt nhiên không đả động đến việc hồ sơ và con gái cũng không đi hỏi. Bưởi tích cực tham gia công tác làng xã, đoàn hội. Đến kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Bưởi được Đoàn Thanh niên giới thiệu ứng cử cấp huyện, trúng cử với số phiếu cao. Trong kỳ họp thứ nhất Bưởi được bầu giữ chức thư ký thường trực. Sự trưởng thành của con gái càng làm đằm thêm trong ông niềm biết ơn người bạn đã vỗ vai, nhà chùa và sự trao gửi của người mẹ trẻ. Và lớn hơn hết thảy là ông hóa giải được lời nói dối với bố mẹ, ông bà. Còn nguyên trong ông niềm vui đến trào nước mắt cái giây phút đầu tiên trong nhà gã trai tưởng như cô độc suốt đời bỗng vang lên tiếng khóc trẻ thơ. Từ sau lần giáp mặt người đàn bà ấy, ông nhủ lòng một dịp nào đó sẽ nói cho con gái biết một sự thật khác với những gì nó đã biết. Bây giờ còn cần thiết nữa không? Còn cần không khi người đàn bà ấy đã vận quần áo sọc, đeo còng số tám?

Ông Tĩnh chốt những nỗi niềm canh cánh từ lâu và điều trăn trở vừa dội vào tâm thức ông từ gương mặt người đàn bà trên tivi.

- Bà ta có tội thì phải tù. Bố con tôi, con chịu ơn sinh hạ, bố mang ơn trao gửi. Tôi định nay mai lên thăm người ta. Ông tính có nên không?

Ông Bào nhìn bạn, niềm mến trọng khiến ông nghẹn lời:

- Cũng là việc nên làm sớm ông ạ.

Việc thăm gặp của ông Tĩnh trở nên đơn giản. Ông Bào điện cho con rể là trung tá công an nhờ tra hồ sơ và thu xếp cho một lần thăm gặp.

Nhà thăm gặp của trại giam rộng đẹp như một phòng khách. Hai bộ bàn ghế cho người thăm và phạm nhân đối diện nhau, ngăn cách bằng hàng song sắt. Ông Tĩnh ngồi chừng vài phút thì người đàn bà áo sọc trắng xanh được người nữ cảnh sát dẫn vào. Người đàn bà sững bước và quay ngoắt. Ông Tĩnh vội đứng lên.

- Tôi từ làng Quảng lên. Xin cô nán lại vài phút.

Hình như người nữ cảnh sát ngầm tác động qua động tác nắm cánh tay. Người đàn bà áo sọc miễn cưỡng ngồi xuống ghế.

- Ông… anh… sao biết đến thăm tôi?

- Sao cô lại hỏi như thế? Tôi đã tự hỏi vì sao tôi đến thăm cô? Bạn bè, bà con ở làng giúp tôi tìm ra câu trả lời. Sư cụ, các vãi gửi lời thăm cô.

Người đàn bà úp mặt khóc. Tiếng khóc bị nén kìm chỉ bật ra tiếng ực ực và đôi bờ vai rung lên từng cơn. Ông Tĩnh lần trong nước mắt người đàn bà một thời quyền hành ra từng lời nói đứt đoạn. Lời hỏi thăm nhà chùa. Lời than về gia đình. Vài tuần sau ngày cô ta bị tạm giam, gã chồng bán nhà vào Nam với nhân tình, hai đứa con rút hết tiền ngân hàng, ra nước ngoài…

Ông Tĩnh đồ rằng từ ngày cô ta vào tù không có ai đến thăm. Ông thấy tiếc vì vội đi chỉ tạt vào hàng mua vài món quà khô dùng dần. Ông nhích ghế, bám tay gần sát chỗ người đàn bà úp mặt. Ông quyết định gọi tên thật của người tù.

- Cô Chinh này. Con gái đã sắp đầy tuổi hai mươi ba. Như thế tôi và cô đều không còn trẻ nữa. Cô sẽ hiểu vì sao tôi đến thăm cô trong hoàn cảnh này. Bốn năm trong này dài ngắn thế nào là tùy thuộc vào cô. Cô nên gắng cho ngắn nhanh để sớm gặp, thấy con trưởng thành như thế nào. Cô Chinh. Tôi đến thăm không phải để thấy cô khóc.

Người tù tên Chinh vẫn ôm mặt khóc. Ông Tĩnh nói với người nữ cảnh sát:

- Nhờ cháu nói với cô ấy tháng sau sẽ có người lên thăm. Cảm ơn cháu.

Xuống khỏi bậc tam cấp nhà thăm gặp, ông Tĩnh vẫn nghe thấy tiếng khóc. Hình như rấm rứt hơn. Con người một thời quyền hành còn biết khóc như thế là còn hy vọng ở họ sự hoàn lương tốt đẹp. Ông bỗng thấy bâng khuâng. Trong niềm bâng khuâng là lạ ấy, ông thấy ra cái việc tưởng như rất khó hóa ra chẳng khó chút nào. Chủ nhật tới con gái về, ông sẽ nói ra sự thật từ cái ngày bước vào phòng khách lộng lẫy cho đến cuộc đi thăm và ngược về những ngày xa trước.

Truyện dự thi: Khép một vòng xoay	 - Ảnh 2.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem