Truyện dự thi: O Xinh vẫn còn xinh

Phạm Đức Long (Gia Lai) Thứ bảy, ngày 20/06/2020 16:55 PM (GMT+7)
Tôi gặp ông Hoa trong một bữa tiệc tại Biển Hồ Pleiku. Ông hơn tôi khoảng hai chục tuổi, tuy đã già nhưng vẫn còn nguyên cái dáng xưa. Đó là điều giúp tôi nhớ ra ông, một người quen biết khi tôi còn là một đứa trẻ bảy tuổi.
Bình luận 0

- Bác vào trong này từ năm nào? - Tôi gọi bác xưng em, theo kiểu miền Bắc.

- À tớ vào sớm lắm. Ngay khi mới giải phóng!

- Thế là vào lập nông trường?

- Đúng hơn là đi theo bộ khung. Ngày ấy gian nan lắm! Những là sốt rét, Phun rô, thiếu đói...

- Bây giờ bác ở đâu?

- Mình đã nghỉ hưu, cũng gần đây thôi!

* * *

Chỉ mấy dòng vậy với ông Hoa, trong tôi đã dội về bao nhiêu là ký ức của tuổi thơ xa lăng lắc...

Lần đầu tiên máy cày về làng là một ngày rộn ràng náo nức như hội. Người người ới nhau ra đầu làng xem cái máy cày bánh xích. Nó nổ máy ầm ì, xả khói vun vút lên trời. Những mắt xích nghiến lên nền đường đất đá lởm nhởm. Những âm thanh lạo rạo, ken két phát ra từ các trục khớp sắt. Cái dàn cày to tướng cứ nâng lên hạ xuống theo sự điều khiển của các anh thợ máy. Ngồi trên chiếc máy cày là hai anh thợ mặc quần áo xanh, đội mũ xanh, mặt còn trẻ măng. Đến lúc máy cày chạy xuống ruộng, cả dàn cày sắt to lớn được hạ xuống, những luống đất sâu được lật lên tơi tới.

Truyện dự thi: O Xinh vẫn còn xinh - Ảnh 1.

Minh họa của họa sĩ Vũ Long Bình.

Đó là những ngày sau mùa gặt vụ mười, đồng đất đã trơ khấc gốc rạ. Đất ấy được cày lên để trồng khoai vụ Đông. Bọn trẻ con suốt ngày chạy chân đất theo những đường cày xình xịch râm ran. Mấy ngày sau đã quen, các anh thợ máy còn cho cả bọn trẻ con lên ngồi trên cabin chạy tới chạy lui theo những luống cày trên đồng ruộng. Cái máy cày thành niềm đam mê của bọn trẻ. Đó là chiếc máy thích thú và kỳ tài.

Sau những buổi cày, anh Hoa và anh Thanh lại xả ít xăng từ trong máy ra cái xô sắt tây nhỏ rửa tay rất sành điệu. Chất xăng đánh bay tất cả các vết bẩn dù gắn kết đến mức nào. Đang lấm lem đen nhẻm, rửa tay bằng xăng xong chỉ cần lau qua tấm giẻ khô, bàn tay đã sạch bóng, thơm tho. Mùi xăng tỏa ra ngào ngạt. Đó là thứ nước rửa kỳ diệu.

Trẻ con trong làng cứ mơ lớn lên được làm thợ lái máy cày. Người làng ai cũng trân quý, ai muốn làm thân với các anh thợ điều khiển cái máy thần thông cày đất.

Anh Thanh đứng tuổi hơn, đã có vợ trên quê. Anh Hoa là thợ trẻ chưa lập gia đình. Nhiều người biết vậy cứ nhắm nhe anh Hoa cho con gái, cháu gái trong nhà trong họ.

Trong lúc nhiều nhà ước ao lắm, nhiều cô gái mơ mộng lắm thì anh Hoa chẳng hề để mắt tới; một dạo anh bỗng dưng say cô Xinh như điếu đổ. Sự đời nó cứ oái ăm vậy. "Chạy bóng, bóng theo. Theo bóng, bóng chạy". Khi được gia đình họ hàng nhà Xinh hậu thuẫn đắc lực, tưởng chỉ cần ngỏ lời, anh Hoa sẽ có ngay cô vợ trẻ đẹp nhất làng, hóa ra điều anh nhận được lại là lời từ chối. Chỉ vì cô thương cha, không đủ can đảm lấy chồng đường xa. Để yên thân, ít lâu sau cô Xinh đã yêu và cưới anh Bồng người trong xóm.

Ai cũng thấy có cái gì tiêng tiếc...

Mấy năm sau, khi chương trình thủy lợi của ông Lợi Bí thư Huyện ủy thành công, người ta thấy chiếc máy cày bánh xích tự dưng biến mất, thay vào đó là những chiếc máy cày bánh lốp bánh lồng lội nước như ngan như vịt. Anh Thanh và anh Hoa cũng rời khỏi làng biệt tích.

* * *

Ngày thuốc trừ sâu về đồng ruộng cũng là thời khắc kỳ diệu như hồi chiếc máy cày bánh xích về làng. Già trẻ ai cũng thấy ngạc nhiên. Có thứ thuốc mùi hăng hắc chỉ cần pha với nước lã, phun lên cây trồng, sâu cứ lăn ra chết như có bùa phép. Sáng hôm đầu tiên phun thuốc trên đồng lúa, có người còn nhanh tay vớt được cả giỏ cá say thuốc. Buổi trưa, anh Bồng phát hiện rất nhiều cá gáy, cá diếc nổi dật dờ trên giếng Đình.

Ngôi đình từ khi cách mạng thành công thì đã bị phá bỏ, chỉ còn cái giếng như phế tích. Gọi là giếng nhưng thực ra nó rộng lớn như cái ao gần nửa mẫu kế bên sânđình hướng ra cánh đồng lúa của làng. Giếng Đình là nơi mạch nước tốt của làng, trước đây cả làng đều lấy nước ấy để ăn uống. Nó có bờ đất đắp cao tạo thành ô hình vuông, xung quanh cỏ mọc um tùm, nước trong xanh leo lẻo. Cạnh đường đi giáp sân đình, có cái bến nước được ghép những hòn đá xanh đẽo vuông vức làm cầu xuống giếng theo thế bậc tam cấp. Hồi trước, đêm đêm con gái trong làng thường quảy đôi nồi đình ra giếng đình múc nước. Chân trần cứ thế xuống tới đâu kéo váy cao tới đó, để hở đôi bắp vế trắng hểu dưới trăng.

Từ khi người Pháp cho xây giếng Máy ở cạnh đền Ông Voi, giếng Đình ít người lấy nước hơn. Giếng Máy gồm hai bộ phận. Một cái ao đất hình vuông, có bờ đất bao quanh làm nguồn cung cấp nước. Một bộ phận được xây bằng xi măng gồm hai ô phía ngoài đựng cát sỏi lưng lửng để lọc nước, một ô vuông phía trong chứa nước đã lọc trong xanh. Giếng Máy nước trong thấy rõ những con tôm càng mọc rêu bò trên tường trên cát. Chiều hè, bọn trẻ choai choai thường vác cần câu ra giếng Máy câu tôm càng. Người đi gánh nước giếng Máy thì dùng đài (gàu) cột dây múc nước đổ vào đôi thùng sắt tây để gánh. Việc dùng nước giếng Máy có vẻ hợp vệ sinh hơn, nhưng ít thi vị hơn, nên vẫn có những người hoài cổ thích múc nước giếng Đình cả đời.

Không biết từ bao giờ giếng Đình được trổ một con mương nhỏ thông với đồng ruộng. Cũng vì thế, từ lâu giếng Đình mọc đầy rong và rất nhiều cá. Bữa phun thuốc sâu trên đồng lúa, làng được bữa cá thỏa thuê. Giếng Đình bao nhiêu năm không tát, những con cá gáy như chiếc dép to, những con cá diếc căng tròn như bàn tay người lớn. Đang trưa, bỗng dưng cá nổi chấp chới trắng cả mặt giếng Đình như một sự lạ bao nhiêu đời nay chưa ai từng thấy. Trai làng đưa vợt rẽ rong bơi ra vớt hàng bao, hàng giỏ. Buổi trưa, làng bỗng dưng như một ngày hội dưới giếng Đình.

Cá ấy nấu lên ăn béo ngậy, duy chỉ có chút mùi hăng hăng lạ lạ, ăn nhiều lại thấy ngon, quen mùi như bị nghiện. Sau thì những rục, những hói muốn bắt cá người ta chỉ cần vảy ít thuốc sâu thần kỳ xuống nước, canh chừng ít phút là xuống bắt được cá đem về.

Một thời thuốc sâu như thần dược, ghẻ lở, đầu chí người ta đều dùng nó bôi lên ít hôm là khỏi tiệt. Ông Tứ đau bụng kinh niên, khi không chịu nổi, bực mình uống một hớp thuốc sâu, không ngờ sau cơn say, bệnh tự dưng dứt hẳn. Là sau lần uống thuốc sâu, ông ỉa tống tả, đẩy ra một búi giun lớn trước con mắt kinh ngạc của mọi người.

Anh Bồng tuy còn trẻ tuổi, nhưng tạng người to khỏe, siêng năng chịu khó, thông hiểu đồng ruộng, được làng tín nhiệm cắt cử làm chân chuyên nghiệp phun thuốc sâu cho hợp tác xã. Việc phun thuốc sâu không quá nặng nhọc, thỉnh thoảng lại bắt được cá đồng, được tự do nên anh rất thích. Chỉ phiền cái, sau mỗi buổi phun thuốc, quần áo ướt hết phải tắm giặt tốn thời gian công sức. Việc ấy hợp tác xã đã hỗ trợ cho anh vải may thêm quần áo, thêm xà phòng để tắm giặt coi như ổn. Sớm tối vợ chồng hết mực thương yêu nhau. Anh thương vợ mà miệt mài với công điểm, quanh năm không nỡ nghỉ lấy một ngày. O Xinh thương chồng, suốt ngày lo chợ búa, kiếm thêm đồng tiền, sắm thêm miếng ngon bồi bổ cho chồng. Họ đang xây một gia đình nông thôn hạnh phúc nồng ấm!

* * *

Từ dạo cưới chồng, o Xinh ngày càng xinh hơn hớn. Da o trở nên trắng hồng trơn lẳn. Cổ nhân có câu "gái gặp hơi trai như thài lài gặp cứt chó", với o quá đúng! Lại có câu "tốt mái hại trống", trong làng ai cũng nghĩ đúng luôn!

Anh Bồng từ ngày cưới vợ, không dưng người cứ mỗi lúc thịt như tuột đi, như róc vợi dần đi. Trong người chẳng thấy có bệnh gì, chỉ có triệu chứng mệt mỏi sau mỗi ngày phun thuốc sâu cật lực.

(GOP) O Xinh vẫn còn xinh - Ảnh 2.

Đường con cái thì ngày càng khó. Mà trông dáng o Xinh nôm nái, đàn ông thường chế diễu, đi qua chân giường là có chửa. Vậy mà đằng đẵng hàng chục năm, vợ chồng lọc cọc khuya sớm không có lấy một tiếng trẻ. Mấy lần o Xinh mang thai đều hỏng sớm. Sau thì không thấy gì nữa. Mà lạ, o Xinh như chẳng già đi. Vẫn thắt đáy lưng ong, bắp chân bắp tay nần nẫn như thanh niên.

- Cái con mẹ Xinh, xinh cho lắm! Đến khổ chồng! - Thiên hạ bắt đầu chào xáo.

- Cứ xem thằng chồng hồi trước vâm là vậy. Cưới cô gái đẹp biết ngay! - Lại cô toét mắt thêm lời...

- Tướng sát phu rồi! - Bà răng vẩu đưa chuyện.

- Cây độc không trái, gái độc không con các bà ạ! - Cô xương xẩu móc máy.

Thời gian sau, ông Yên sang nhà anh Bồng thưa chuyện với các cụ bên ấy xin cho cô Xinh về lại nhà mình.

- Thưa các cụ, con Xinh nhà tôi số nó lận đận. Mãi không sinh được cho nhà mình lấy mụn con.

- Ấy chết. Đó là cái phúc nhà tôi mỏng, tội tình gì đến cháu nó!

- Không cụ, cứ nghe thiên hạ chào kháo, tôi lại thấy thương cho anh Bồng. Thôi thì thua keo này, bày keo khác. Ý tôi là anh Bồng còn sức trai, kiếm đâu chả ra con cho các cụ! Tôi xin cho cháu Xinh nó về. Nghiệp nó, trời bắt nó chịu, đừng khổ lây đến anh Bồng nữa! Tôi cảnh gà trống nuôi con bấy nay, cũng tiện thể nó về đỡ đần thêm khi tôi về già.

Đận ấy o Xinh về ở với bố đẻ, coi như thuận tình li hôn, giải phóng cho anh Bồng kiếm vợ mới.

* * *

Từ khi hợp tác hóa, cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, năng suất cây trồng tăng lên vượt bậc. Ai cũng thấy rõ điều đó. Ruộng bây giờ đã trồng được hai vụ lúa chắc ăn. Vụ mùa nhờ con kênh Tam Sơn không còn lo ngập úng. Vụ chiêm lại cũng nhờ con kênh ấy mà cả một vùng lúa đủ nước tưới. Từ thời làm bèo hoa dâu, rồi hợp tác xã ra chỉ tiêu làm phân chuồng, phân xanh, ruộng đồng đã thay sắc từng ngày. Đến lúc phân hóa học vào đồng ruộng, người ta không phải khổ công kỳ cạch trồng cây điền thanh quanh bờ vùng bờ thửa, sáng sớm dập bèo, rồi rải tro chống sương muối, rồi thì băm vằm, trộn ủ... không biết bao nhiêu công đoạn. Với phân hóa học chỉ cần lội ruộng vung tay là xong, mà năng suất lại cao. Lúa khoai đều có giống mới năng suất cao. Làm cỏ không cần tỷ mẩn cúi gằm mặt xuống đất, nhổ từng gốc từng nhánh lá. Qua thời bừa Triều Tiên đẩy tay, đến thời thuốc diệt cỏ chỉ cần mang cái máy phun trên đồng ruộng một lượt là xong. Chẳng còn mấy loại cỏ sống được. Đó rõ là thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó như là cuộc cách mạng thần thánh, cách mạng xanh, cứu đói toàn nhân loại. Nghe nói có thời điểm người ta nhập khẩu cả trăm ngàn tấn phân hóa học, hàng ngàn tấn thuốc diệt sâu diệt cỏ. Thứ ấy tiện dụng, không đâu làm cho con người trở nên vô cảm, lười nhác... Và đồng ruộng coi như đã bị đầu độc.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Khi con người ta lạm dụng quá mức, ỉ vào sự tiến bộ trong canh tác, được hạt lúa củ khoai nhưng cũng mất đi quá nhiều thứ. Ruộng đồng dần vắng những tiếng ếch kêu đêm. Con cà cuống bao đời cho hương vị thơm cay mỗi ngày một vắng bóng. Bờ ruộng, bờ mương không còn mấy lỗ lươn, hang cua đục làm tổ. Đến lúc cá tôm cũng tiệt nòi tiệt giống. Cửa sông cửa lạch, khe suối trơ ra cát sỏi vô hồn, chẳng còn đâu con ốc con hến... Đến lúc người người bỗng khát thèm con cá con tôm, cua ốc bình dân nơi đồng ruộng.

* * *

Anh Bồng và o Xinh bỏ nhau được hơn năm, nhà anh vì nóng lòng mong cháu đã cưới cho anh một người con gái làng trên. Từ ngày xa o Xinh, anh Bồng bị sa vào rượu. Hàng ngày, sau một ngày phun thuốc sâu bầm giập, anh chỉ biết lấy chén rượu giải sầu. Độ hai năm sau anh đổ bệnh, da vàng, bụng to, chân tay khô khẳng. Một chiều đông, anh chết gục bên chén rượu quê văn vắt.

* * *

Từ ngày trở về nhà cha đẻ, o Xinh như một chiếc bóng giữa đời. Dẫu sao cũng mang cái tiếng gái lộn chồng! Ngày ngày o chỉ quẩn quanh xó bếp mảnh vườn, cố tránh gặp gỡ mọi người dù là thân sơ.

Sau khi ông Yên chết, o Xinh bán hết vườn thổ ra mua một mảnh đất nhỏ ven tỉnh lộ. Ai cũng bảo o dại. Thời buổi chẳng ma nào thích ở ngoài đường ồn ào bụi bặm. Có lẽ o muốn xa lánh người thân, muốn tu chốn đô hội.

Ở đó o xây một căn nhà nhỏ, kê đủ một cái kệ đựng đồ, một cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế mộc và cái giường đơn. O mở một quầy tạp hóa bán đủ bánh kẹo, kim chỉ, trà thuốc... phục vụ nhu cầu dân sinh trong xóm. Từ cái quán nhỏ ấy, o Xinh có thêm tiền gạo nước. Ban ngày người dưng lui tới, kẻ mua đồng mắm, người tỉ tê đôi ba câu chuyện không đâu. O vừa có chút thu nhập lại có bóng người dù không thân thiết cứ qua lại tâm sự làm khuây. Tuy đơn độc nhưng o Xinh như lấy lại được chút bình tâm của thời thôn nữ chưa vướng bận gì chuyện đời; không đến nỗi khổ sở thiếu thốn như những bà mẹ một nách bảy tám đứa con; lại không thiệt thòi như o Tâm đi bộ đội phòng không, bị bom đánh sập hầm hy sinh mãi trên xứ rừng rú Trường Sơn thăm thẳm...

Đó là nói ban ngày ban mặt, đêm về o cũng chẳng giấu đâu được cái thui thủi của phận người. Từ trang thờ đêm nào cũng ba nén nhang đỏ nhói. Mùi thơm nhang lâu rừng rú cứ tỏa khắp căn nhà nhỏ, tạo nên một không khí u u mê mê như ở cõi khác. Về khuya khi xóm làng đã yên giấc, o Xinh lại hạ volume cái tivi cũ cho nó nói như thì thầm tâm sự. O ngồi chán lại nằm. Cái tivi ấy theo năm tháng như một người bạn tri kỷ đồng hành, nói với o đủ thứ chuyện Đông Tây Kim Cổ, suốt đêm này qua đêm khác.

* * *

- Lâu rồi cậu có hay về quê không.

- Dạ có, thường thì mỗi năm em về một lần.

- Làng quê chắc đổi thay nhiều lắm?

- Dạ, bây giờ làng đã hơi giống phố. Nhưng mừng là cá tôm cua ốc lại về bác ạ!

- Thế thì mừng rồi.

- Là người dân đã ý thức được kiểu canh tác bền vững. Họ biết kết hợp hài hòa hữu cơ với vô cơ. Dùng thuốc diệt sâu diệt cỏ hợp lý hơn, nhất là những loại thuốc quá độc hại thì loại hẳn. Cua ốc tôm cá đã lại sinh sôi như ruộng đồng muôn thuở. Bây giờ cá cấn, cá lòng tong ở phố coi là đặc sản, nhà quê chỉ cho gà cho vịt thôi bác.

- Thế thì rất mừng!

- Làng quê một thời vần xoay. Nó là vòng tròn trôn ốc như triết lý Á Đông bác ơi. Bây giờ đồng quê trở về trù phú như xưa, nhưng lúa gạo vẫn cứ được nhiều hơn, no ấm hơn.

- Mừng cho làng quê. Cậu biết không. Chuyện về o Xinh thật là một chuyện buồn. Buồn cho mình và buồn cho o. Đó là mối tình đầu của tớ, nhưng là sự si mê một chiều. Rồi mình đi biệt. Rồi o gặp oan trái... Tội o. Việc o không có con bị đàm tiếu hắt hủi, rồi chuyện anh Bồng chết yểu thực ra là một sự tự đầu độc quá đau lòng!

- Bây giờ o Xinh như người tu nơi ồn ã. Lạ là o cứ bình tâm theo cách của mình. Tuy có tuổi, nhưng o vẫn giữ được những nét cao sang trời phú. O Xinh vẫn ngời ngời nơi thôn dã đồng quê lấm láp...

Bất chợt từ khóe mắt ông Hoa lặng tứa ra hai giọt nước già nua dâm dấp, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi về miền quê xa xôi mà ấm áp!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem