HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 17/4: Cảnh báo bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đông xuân

17/04/2022 14:08 GMT+7
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc nhận định: Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có nguy cơ phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 tại các tỉnh phía Bắc. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 17/4.

Cảnh báo bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đông xuân

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong khoảng nửa cuối tháng 4/2022, các tỉnh Bắc Bộ nhìn chung nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 5 đến cuối vụ đông xuân, khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài và nóng gắt tương đương cùng kỳ năm 2021. Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc nhận định: Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có nguy cơ phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 trên các giống nhiễm, trên các diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá nặng, nhất là diện tích lúa giai đoạn trỗ - phơi màu trong điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại, theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng của cây lúa, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của đối tượng dịch hại chủ yếu, để có những biện pháp phòng trừ thích hợp.

Tiền Giang đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu

ới diện tích trên 80.000 ha vườn cây ăn trái cùng sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm, Tiền Giang là một trong các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, mã số vùng trồng cây ăn trái đã được cấp 281 mã số với hơn 17.600 ha và 728 cơ sở được cấp mã số đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số với 6 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, xoài, mít, dưa hấu, chuối và chôm chôm. Mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là 154 mã số, với 4 chủng loại cây trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa.

Thủ phủ xoài Úc ở Nam Trung Bộ lao đao khi giá chạm đáy

Những ngày qua, người dân tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, giá xoài Úc vẫn đang tiếp tục giảm sâu khiến họ đứng ngồi không yên. Nhiều nông dân cho biết, loại trái cây này đang vào vụ, nhưng 1kg xoài loại 1 chỉ 12.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất từ xưa đến nay. Nguyên nhân xoài Úc bị mất giá được cho rằng, do từ trước đến nay, thị trường xoài Úc chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương lái Trung Quốc không thu mua, khiến giá xoài Úc giảm sâu. Ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, chuyện cây xoài được mùa mất giá, được giá mất mùa đã diễn ra từ những năm trước. Không chỉ có riêng cây xoài mà nhiều loại cây trồng, nông sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Huyện đã đề nghị nông dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường nội địa; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap để nâng cao giá thành; đa dạng hóa sản phẩm từ xoài như mứt, kẹo, xoài sấy; đẩy mạnh du lịch kết hợp trải nghiệm… để từng bước đưa xoài Cam Lâm đi vào ổn định.

Đài Loan cấm nhập thuốc trừ sâu chứa hoạt chất Chlorpyrifos

Lệnh cấm nhập khẩu thuốc trừ sâu mang tên chlorpyrifos, một trong những loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất của Đài Loan, đã chính thức có hiệu lực vào thứ Sáu (15 tháng 4 năm 2022). Theo đó, giới chức Đài Loan dự kiến sẽ loại bỏ tất cả các sản phẩm thuốc trừ sâu được sản xuất bằng hợp chất hóa học chlorpyrifos, hoạt chất được cho là có thể gây tổn thương thần kinh ở trẻ em. Theo báo chí địa phương, ngoài lệnh cấm nhập khẩu đối với chlorpyrifos, chính quyền nước này còn yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu các hợp chất hóa học nguy hiểm, có tác dụng diệt trừ côn trùng như muỗi và gián. Chế tài mới cũng có hiệu lực trong các lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi của Đài Loan, với giới hạn dư lượng tối thiểu là 2 ppm đối với thịt bò; 0,01 ppm đối với các sản phẩm sữa và 0,05 ppm đối với trứng.

THDV