HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ba kích và cách phòng trừ

08/09/2023 06:30 GMT+7
Ba kích là loài cây trồng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cây ba kích bị bệnh khiến nhiều hộ nông dân lo lắng. Chương trình Sổ tay Nhà nông số tuần này sẽ cùng bà con tìm hiểu một số loại sâu bệnh trên cây ba kích và cách phòng trừ.

Tìm hiểu một số loại sâu bệnh trên cây ba kích và cách phòng trừ cùng Sổ tay Nhà nông.

Với bản chất là giống cây mọc dại, ba kích có khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên, dễ chăm sóc. Dù vậy, bà con cũng cần lưu ý phòng trừ sâu bệnh hại cho cây để đảm bảo cây phát triển tốt, giúp mô hình kinh doanh đạt hiệu quả cao. Trong số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu một số loại sâu bệnh trên cây ba kích và cách phòng trừ.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ba kích và cách phòng trừ.

1. Bệnh lở cổ rễ

Bệnh lở cổ rễ ở cây ba kích thường xuất hiện ở giai đoạn cây con, do nấm gây ra.

Khi phát hiện cây bị bệnh, bà con cần nhổ bỏ và đốt những cây bệnh. Phun phòng trừ bằng dung dịch thuốc pha chế từ Booc - đô 1% và Ben - lát 0,1%; phun đều trên mặt thân lá và gốc của cây ba kích. Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc trên để tưới gốc.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ba kích và cách phòng trừ - Ảnh 2.

Bệnh lở cổ rễ ở cây ba kích.

2. Bệnh vàng lá thối rễ

Đối với bệnh vàng lá thối rễ, cây sẽ xuất hiện hiện tượng héo rũ, chết rải rác, các lá gốc biến vàng rồi lan ra toàn cây. Vết bệnh trên thân sát mặt đất hoặc ở cổ rễ ban đầu có màu nâu, sau đó lớn dần làm khô tóp cả đoạn thân sát mặt đất. Trong trường hợp bệnh này, củ sẽ kém phát triển và bị nứt đen dọc củ, ngoài vỏ củ vẫn tươi nhưng khi bổ dọc, mạch dẫn bị hóa nâu hoàn toàn.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ba kích và cách phòng trừ - Ảnh 3.

Bệnh vàng lá thối rễ ở cây ba kích.

Tình trạng trên là do nấm Fusarium oxysporum gây nên. Để phòng trừ, bà con lưu ý thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Nếu phát hiện cây có triệu chứng bệnh thì tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy ngay. 

Khi chớm thấy lá vàng, héo rũ thì sử dụng một số loại thuốc như Validamycin A, Daconil 75WP, Rhidomil Gold 68 WP để phun trị. Pha 8 - 10g/ bình 16 lít, tưới đều hoặc phun kỹ thân cây gần mặt đất và xung quanh gốc cây vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun nhắc lại lần 2 sau 5 - 7 ngày.

3. Bệnh đốm mắt cua

Bệnh đốm mắt cua thường xuất hiện trên lá và thân cành của cây ba kích. Đối với lá, các vết bệnh có hình tròn, ở giữa có nhiều vòng đồng tâm, chính giữa có màu xám, có các chấm đen nhỏ, xung quanh màu nâu đỏ, ngoài cùng có màu vàng.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ba kích và cách phòng trừ - Ảnh 4.

Đối với thân cành, vết bệnh sẽ chạy dọc theo chiều dài cành. Những cây bị nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng rụng.

Khi gặp tình trạng này, bà con phun phòng trừ bằng Booc - đô 1%, ngoài ra có thể dùng thuốc Carbenzim 500FL: 20-25cc/bình 8 lít.

Trên đây là một số bệnh thường gặp trên cây ba kích và cách phòng trị.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Vân Anh - Bích Ngọc