HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị

18/08/2023 06:30 GMT+7
Ổi được đánh giá là cây tương đối dễ trồng. Tuy nhiên không thể tránh khỏi một số sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng quả. Chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay sẽ cùng bà con tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị.
Tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị cùng Sổ tay Nhà nông

Ổi được biết đến là giống cây có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Dẫu vậy, vẫn có một số loại sâu, bệnh hại cây trồng khiến bà con nông dân đau đầu. Trông số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị

1. Bệnh rệp phấn trắng

Một trong những loại sâu bệnh mà bà con thường xuyên gặp phải trên cây ổi đó là bệnh rệp phấn trắng. Rệp phấn trắng sống tập trung thành đám ở mặt dưới lá và cuống quả, hút nhựa làm lá vàng, trái nhỏ phát triển kém, kèm theo chỗ có rệp nấm bồ hóng đen phát triển làm mất mã quả. 

Chích hút dịch cây, gây hại các lá non, lộc non và quả. Rệp phát sinh quanh năm, thường vào các tháng mùa khô, nắng nóng.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị - Ảnh 2.

Bệnh rệp phấn trắng trên cây ổi

Để phòng trừ rệp phấn trắng tốt nhất, bà con cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Không nên trồng ổi quá dày, thường xuyên cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá, cành già không có khả năng cho quả để vườn luôn thông thoáng. 

Dùng máy bơm nước có áp suất cao xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp sẽ có tác dụng rửa trôi bớt rệp. Tiến hành bao, bọc quả quả sớm.

Đồng thời kiểm tra vườn ổi thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là giai đoạn cây đang có lộc non, lá non, quả bằng một trong các loại thuốc như : Osago 80WG, Actara 25WG, Bassa 50EC, Reasgant 3.6EC, Tasieu 1.9EC, Limater 7.5EC,…. 

2. Bệnh bướm sâu đục quả 

Thường xuất hiện khi cây mới ra quả, loại sâu này tương đối nhỏ, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rải rác trên các quả non. Sâu non có đầu nâu, thân mình sâu có màu trắng ửng hồng. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá.

Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên các lá đài của quả hoặc nơi dính giữa lá và trái. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20 - 30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh và đục ngay vào quả.

Sâu có thể đục từ giai đoạn quả nhỏ cho đến lúc gần thu hoạch nhưng nặng nhất lúc quả bằng ngón tay cái cho đến quả bằng quả chanh. Sâu thường hóa nhộng trên cành, lá gần nơi quả bị tấn công hoặc ngay cả trên quả. 

Sâu gây hại vào lúc quả nhỏ sẽ làm quả sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn quả lớn thì sẽ làm giảm chất lượng của quả. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, quả thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối quả. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân màu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lỗ đục. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị - Ảnh 3.

Bệnh bướm đục quả trên cây ổi.

Để phòng tránh được sâu bướm đục quả, bà con cần thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra quả để phát hiện sớm sâu đục quả. Tiến hành thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu gây hại. Cắt tỉa cành hàng năm để tạo thông thoáng vườn cây. Tỉa bỏ bớt những trái kém phát triển trong chùm. Dùng bao giấy hoặc nilon bao quả sau khi đã chà bỏ đài hoa để hạn chế sâu đục quả cũng rất có hiệu quả, quả có màu sắc đẹp hơn.

Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, sử dụng các loại thuốc có hiệu quả đối với sâu đục trái như: Delfin WG (32BIU), Limater 7.5EC, Tasieu 1.0EC, 1.9EC, Tungatin 1.8EC,… phun kỹ trên cành, cuống và quả khi quả còn non nhằm làm ung thối trứng mới đẻ hoặc sâu non trước khi chúng đục vào bên trong. Không phun thuốc khi quả đã lớn vì sâu đã đục vào bên trong nên không còn tác dụng diệt trừ, đồng thời tránh gây ngộ độc cho người sử dụng.

Trên đây là một số bệnh thường gặp ở cây ổi và cách chữa trị.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!


Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Nam Nguyên - Mai Nhung