HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật úm đà điểu con đạt hiệu quả cao

12/09/2023 06:30 GMT+7
Úm đà điểu con hay còn gọi là gột đà điểu là giai đoạn nuôi đà điểu từ lúc mới nở đến khi đà điểu cứng cáp. Trong số phát sóng hôm nay, hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật úm đà điểu con đạt tỉ lệ sống cao nhất.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật "úm" đà điểu con đạt hiệu quả cao

Trong quá trình nuôi đà điểu, chuồng nuôi là yếu tố rất quan trọng, quyết định chất lượng phát triển của đà điểu con. Tuy nhiên, để sản xuất đà điểu giống đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ những quy định kỹ thuật vô cùng nghiêm ngặt và tương đối khó. Trong số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật úm đà điểu con giúp đạt tỉ lệ sống cao nhất.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật úm đà điểu con đạt hiệu quả cao.

1. Chuồng úm đà điểu con

Chuồng nuôi hay chuồng úm đà điểu cần được xây dựng ở nơi có ánh sáng mặt trời, thoát nước tốt, mặt bằng cao ráo, thoáng khí, xung quanh yên tĩnh. Chuồng nuôi phải thoáng nhưng phải giữ được nhiệt độ, nếu đà điểu con bị lạnh chúng có thể sẽ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và chết.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật úm đà điểu con đạt hiệu quả cao - Ảnh 1.

Chuồng úm đà điểu con

Chuồng nuôi có chiều dài phải lớn hơn 50m để đà điểu chạy nhảy, múa theo bản năng tự nhiên. Ngoài ra, cần thiết kế khu vực sân chơi cho đà điểu con cần phải nhặt sạch sẽ, nên làm bằng thảm cỏ hoặc sân đất nện để phù hợp cho quá trình phát triển của đà điểu con.

2. Chăm sóc đà điểu con

Đối với đà điểu non khoảng 1 đến hai tuần cần phải lót thảm hoặc đệm vững chắc ở chuồng úm, đảm bảo cho đà điểu con đi lại vững chắc không bị ngã. Đồng thời giữ ấm được phần bụng, đảm bảo cho hệ tiêu hóa của đà điểu non khỏe mạnh. Đà điểu non sau khi nở các bộ phận và cơ quan phát triển chưa đầy đủ, cần phải giữ nhiệt đồ chuồng nuôi ổn định khoảng 30 - 32 độ C bằng cách thắp bóng đèn sợi đốt bên trong chuồng nuôi. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật úm đà điểu con đạt hiệu quả cao - Ảnh 2.

Chăm sóc đà điểu con.

Chú ý nếu nhiệt độ của chuồng nuôi thấp đà điểu con sẽ tập trung ở gần bóng đèn, nếu nhiệt độ chuồng nuôi cao đà điểu con sẽ tránh xa nơi có bóng đèn, còn nhiệt độ phù hợp thì đà điểu con sẽ đi lại thoải mái trong chuồng nuôi.

3. Chế độ dinh dưỡng cho đà điểu con

Trong giai đoạn này, chế độ dinh dưỡng cho đà điểu con cần đặc biệt cần chú trọng. Vốn là loài vật sống hoang dã nên thức ăn của chúng chủ yếu là cỏ cây hoa lá ngoài tự nhiên, tuy nhiên để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho đà điểu con phát triển thì trong giai đoạn đầu cần cho đà điểu ăn chủ yếu là cám viên và kết hợp với các loại rau mềm, thái nhỏ.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật úm đà điểu con đạt hiệu quả cao - Ảnh 3.

Chế độ dinh dưỡng cho đà điểu con.

Đà điểu non mới nở thường ngủ dưới bóng đèn sưởi, bắt đầu từ ngày thứ 3 mới bắt đầu mổ thức ăn.  Đà điểu con có thể mổ bất cứ thứ gì mà chúng thấy dẫn đến tắc ruột và chết, vì vậy cần dọn dẹp sạch sẽ chuồng úm. 

Để đảm đường tiêu hóa phát triển tốt cần cho đà điểu con ăn cám viên và rau xanh thái nhỏ. Chú ý đà điểu 1 - 30 ngày tuổi cho ăn 6 lần/ngày, 31 - 60 ngày tuổi cho ăn 4 lần/ngày, 60 - 90 ngày tuổi cho ăn 2 - 3 lần/ngày.

Trên đây là một số kỹ thuật úm đà điểu con cơ bản giúp đạt tỉ lệ sống cao. 

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Bích Ngọc - Bùi Mai